Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Phân biệt một số loại chè

Giới thiệu chung về các loại chè tại Việt Nam
Là một quốc gia có truyền thống uống chè lâu đời, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ rất nhiều chủng loại chè, từ các loại chè truyền thống cho đến các loại chè được du nhập từ nước ngoài.

Các loại chè được uống trong dân gian Việt Nam
Chè tươi: nguyên liệu gồm lá chè non và già, to nhỏ, xanh tươi, không qua chế biến, hái về rửa sạch vò nhầu lá bằng tay rồi cho vào nồi hoặc ấm đun nước loại to cho thêm vài lát gừng tươi đun cho đến sôi, chắt ra bát, chén uống ngay hoặc cho vào ấm tích ủ nóng để uống dần trong ngày, màu nước xanh tươi màu lục diệp. Vùng chè Xuân Mai – Hà Đông hái từng lá, gồm lá già bánh tẻ, dày ròn, nhỏ, vàng, mép lá ít răng cưa ; vùng chè Gay - Nghệ An cắt cả cành dài 30-40 cm, gồm búp, lá to, nhỏ, xanh lụcdiệp, mềm mép lá răng cưa sâu.

Chè nụ: (nụ hoa chè): nụ còn non (nụ hạt tiêu), hái trong tháng 10-11 dương lịch, hái về phơi trong bóng râm, cho đến khô màu xanh, nếu phơi nắng thì chóng khô, nhưng nụ màu đỏ, chất lượng kém. Cafein thấp: 2,00%, ít kích thích, được phụ nữ và người già ưa dùng, Pha nước sôi lâu ngấm, nên chè nụ đãi chủ mà không đãi khách. Có khi ướp thêm hoa cúc, có mùi thơm dễ chịu. Sản xuất nhiều ở các tỉnh Nghệ An, Hà Sơn Bình Việt Nam.

Chè Bạng: gồm lá chè già là chủ yếu, giã nát, hay làm băm nhỏ thành mẩu dài như nhau, 2 mm-1cm, màu xanh đen và hơi đỏ. Lá chè không chế biến, hình như chỉ sấy đơn giản bằng phơi hong, không có lông tuyết. Chè Bạng có tỷ lệ lớn nhất về chất béo: 7.14%, Tanin: 5.25%, tro tổng số: 4.30%, tro hoà tan: 1.40%, Cafein 2.00%, chất hoà tan: 19,10%, đạm: 1,25%, chất béo 7,14%. Chè Bạng được chế biến từ xa xưa tại làng Vân Tra, giáp Bạng thượng – Thanh Hoá. Trà Huế sản xuất tại Truồi - Thừa thiên cũng chế biến từ lá già, cuỗng chè, cành chè non, băm giã, chế biến đơn giản, ủ rồi phơi nắng.

Chè mạn Hà Giang ( chè bánh, chè chi ): chè truyền thống vùng chè cổ miền núi phía Bắc Việt nam, nguyên liệu non, một tôm 2,3 lá non,, giống chè Tuyết (Shan), cuống dài, chế biến đơn giản, thủ công. Búp chè hái về, sao nhanh trong chảo gang, rồi vò bằng tay xong, tãi ra phơi nắng đến khô; chè bán thành phẩm nhồi vào ống bương to đặt trên gác bếp để bảo quản gọi là Chè Lam. Mặt chè thô, búp có tuyết trắng, chất lượng rất tốt. Mẫu chè Tuyết Lu (Bắc Hà – Lào Cai) có tanin: 10,10%, Cafein 3,00%, chất hoà tan 33,00%. Mẫu chè Tuyết Hà giang số 95 có tanin 10,54%, Cafein 3,10%, chất hoà tan 34,30%. Nước chè màu đỏ, vị dịu, mát , thuần hoà không chát mạnh như chè xanh, chè lục. Chè rời cánh thô, ít xoăn, lồng cồng. Chè chi là chè mạn ép thành bánh tròn, gói bẹ diễn, đóng thành cối gồm 10-12 bánh. Chế → biến theo quy trình: chè nguyên liệu hấp nóng → ép bánh → làm khô → đóng cối. Chè ruột gồm chè già, chè vụn; chè mặt gồm chè non, búp nhỏ, mịn. Khi uống, từng miếng chè. Pha chè nước màu đỏ, vị chát dịu, mát được mọi người ưa chuộng.

Chè ô long: Trước đây được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc (Phúc Kiến Quảng Đông) và Đài Loan; còn gọi là thanh trà. Công nghệ: chè nguyên liệu → làm héo và lên men kết hợp→ sao và vò kết hợp sấy khô→ bán thành phẩm. Nước chè màu vàng kim óng ánh, vị đậm mạnh, hương thơm đặc biệt. Các danh trà Ô long như Thiết quan âm, Thuỷ tiên, Đại hồng bào, Kỳ chủng, Sắc chủng, bao chủng… là chè Ô long dùng nguyên liệu của từng giống chè đã chọn lọc để chế biến.

2. Từ khi người Pháp chiếm đóng Đông Dương làm thuộc địa, ở Việt Nam đã xuất hiện thêm hai loại chè đen, chè xanh mới, với khối lượng lớn chuyên sản xuất và xuất khẩu sang Tây Âu và Bắc Phi ( lúc này tại Việt Nam có 13505 ha chè, sản xuất được 6000 tấn khô vào năm 1941). Nhưng người Vệt Nam không uống chè đen, mà chỉ uống chè xanh là chủ yếu, như chè Chính thái, hoặc đấu trộn thêm chè Đồng Lương sản xuất ở Phú Thọ cũ.

Chè đen: chiếm phần trăm lớn nhất trên thị trường buôn bán chè thế giới, theo quy trình công nghệ OTD: chè nguyên liệu tươi→ làm héo→ vò →lên men →sấy khô→ sàng phân loại. Nước chè đen có màu nâu đỏ tươi, vị dịu, hương thơm nhẹ.
Sau khi sàng sẩy, phân loại (trong quá trình tinh chế) chia ra nhiều loại như: OP, P, BOP, BP , FBOP, PS , F, D chất lượng từ cao đến thấp theo kích thước của cánh chè.

Chè xanh (xưa gọi là chè lục): Sản xuát nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam theo quy trình: chè nguyên liệu tươi → diệt men → làm nguội → vò →sấy khô→ sàng phân loại thành phẩm. Nước xanh vàng, tươi sáng, vị chát mạnh, có hậu, hương thơm nồng mùi cốm. Diệt men bằng sao chảo gang hoặc máy diệt men có nhiệt độ 230 đến 250oC (chè sao), hấp hơi nước nóng hay hơi nước nóng (chè hấp), hay nhúng nhanh vào nước sôi (chè chần). Sấy khô bằng hơi nóng, sao chảo (sao suốt), sấy than hoa , sấy lửa củi (chè lửa), hay phơi nắng kết hợp sấy than (chè nắng), chất lượng rất khác

Trong thời kỳ chiến tranh thống nhất đất nước, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc chè đen và chè xanh tăng nhanh về sản lượng, chủ yếu để xuất khẩu, nhất là chè đen OTD,.

Thị trường trong nước có thêm các loại chè gói ướp hương (Thanh Tâm, Thanh hương, Liên Hoa, Hồng Đào, Ba Đình, Đồng Tâm…), chè ướp hoa, chè tiết kiệm (chè lá già, cẫng hương…), ngoài các chủng loại truyền thống của thời kỳ trước.

Chè hương: dùng các hương liệu khô, như hoa ngâu khô, hoa cúc khô, hạt mùi, tiểu hồi, đại hồi, cam thảo, quế… pha trộn với các tỷ lệ khác nhau. Công nghệ: chuẩn bị hương liệu→ sao chè → cho hương liệu và sao → ướp hương trong thùng.

Chè hoa tươi: được sản xuất nhiều ở Trung Quốc, Việt nam; hoa tươi gồm có: sen, nhài, ngọc lan,sói, ngâu, bưởi quế, ngọc lan… Mỗi nhà sản xuất có bí quyết công nghẹ gia truyền riêng. Công nghệ chung như sau: chuẩn bị chè và hoa tươi→ ướp hương (trộn chè và hoa)→ thông hoa→ sàng hoa→ sấy khô→ để nguội→ để hoa → sàng hoa→ chè hoa tươi thành phẩm.

Sau 1975, diện tích và sản lượng chè đen, chè xanh trong mười năm đầu, tiếp tục tăng không ngừng (50.800 ha, 28200 tấn khô-1985). Các loại chè truyền thống dân tộc (chè tươi, nụ, lá gìa…) chè búp, chè hương gói giấy lại tăng nhanh.

Thời kỳ đổi mới và mở cửa (1986-1996), thị trường tiêu thụ chè trong nước trở nên sôi động, biến đổi nhanh chóng về chủng loại, mẫu mã, bao bì, phân phối… Đã xuất hiện các mặt hàng chè mới, như chè túi (tea bag), chè đen CTC, chè đặc sản, chè hoa (nhài, sói, ngâu, sen…).

Chè đen mảnh: Búp chè tươi sau khi héo được đưa vào thiết bị vò và nghiền sau đó đưa ra máy cắt → lên men → sấy , gọi là chè đen CTC, sản xuất nhiều ở Xrilanca, Ấn Độ, Châu Phi.

Chè hoà tan: sản xuất tại các nước công nghệ phát triển; công nghệ: chè nguyên liệu đã chế biến → chiết suất→ cô đặc → sấy phun sương; nguyên liệu chè xanh hoặc đen vụn già, thứ phẩm. Chè hoà tan có dạng bột tơi xốp, rất mịn, gồm những hạt nhỏ, màu vàng nhạt (chè xanh), nâu nhạt (chè đen). Hàm lượng tanin, catesin, axit amin, cafeine rất cao, gấp chè nguyên liệu. màu nước, vị chè đạt yêu cầu, nhưng hương nhạt, vì bay hết trong quá trình chiết xuất, cô đặc và sấy.

Chè túi (tea bag): Tỷ lệ chè mảnh, chè vụn có nhiều trong công nghệ chè CTC và OTD; để tiết kiệm và thu hồi chè tốt, đã có công nghệ làm túi giấy đặc biệt để đựng các loại chè đó. Túi chè có sợi dây buộc nhãn hiệu của hãng sản xuất, khi pha chỉ cần nhúng túi vào cốc hoặc chén nước sôi, túi bã chè vớt lên dễ dàng, không cần ấm pha trà mà lại sạch như trà Kim Anh..

Chè dược thảo: gồm chè đen trộn với một dược liệu như cỏ ngọt, vừa có vị chè lại có giá trị chữa bệnh.

Giới thiệu chung về các loại sản phẩm của Tổng công ty chè Việt Nam

Chè xanh: Gồm có các loại chè xanh hương tự nhiên và các loại chè ướp hương các loại hoa như Nhài, Sen, ...Các loại chè túi lọc.

Chè Oolong: Với các loại giống chè đặc sản được nhập từ Trung Quốc và Đài loan đã qua khảo nghiệm được trồng đại trà tại Mộc Châu, cao nguyên Lâm Đồng,... cùng với các dây chuyền công nghệ sản xuất chè Oolong, sản phẩm chè Oolong của Tổng công ty chè Việt Nam đã có chất lượng đạt tiêu chuẩn như chè Oolong của Trung Quốc và đài loan với các đặc trưng điển hình của loại chè này.

Chè đen: Với các thiết bị dây truyền hiện đại, Tổng công ty chè Việt Nam đã sản xuất đầy đủ các chủng loại chè này (Orthordox, CTC) đạt chất khá trở lên và đã xuất khẩu sang rất nhiều thị trường trên thế giới.

Bảo quản và chế biến chuối

Chuối là loại trái cây thông dụng ở Việt Nam , từ quả chuối, hoa chuối, thân chuối. Có thể chế biến ra nhiều món ăn như chuối khô, chuối sấy, mứt chuối, rượu chuối, nước cốt chuối, bột chuối...

Chuối khô
Chuối chín tới hoặc chuối xanh bóc vỏ, thái lát, trải lên khay thủng, xông lưu huỳnh 15 phút, sau đó đem phơi hoặc sấy khô ở 55 – 91OC trong 18 đến 20 giờ. Để nguội cho vào túi nilông. Có thể giữ được trong 25 ngày. Nếu sau khi cho vào túi hàn kín lại để được 90 ngày.

Chuối khô có thể nghiền ra làm bột chuối hoặc làm thức ăn liền.

Lấy 5 kg chuối chín, bóc vỏ, thái lát, ngâm vào dung dịch bicacbonat sedium ( ½ thìa cà phê pha với 2 lít nước), xếp vào khay đem xông lưu huỳnh trong 1 giờ, đem ra phơi nắng hay sấy trong lò có nhiệt độ 55 – 60OC trong 20 giờ. Để nguội cho vào hộp sắt đậy kín.

Lát chuối khô có mùi thơm như mùi bánh mỳ, dùng làm nộm quả khô, kem đều được

Chuối khô (phương pháp dân gian)

Chuối chín bóc vỏ, thái lát ngang mỏng, trải đều trên nong, nia. Sấy bằng than củi khoảng 10 giờ. Chuối khô giòn, mùi thơm. Cho vào lọ thủy tinh dành ăn dần.

Chuối chín bóc vỏ, để cả quả trải trên nia, phơi héo, đưa vào sấy bằng than củi một đêm. Chuối khô, dẻo , ăn ngọt. Cho vào lọ đậy kín hoặc túi buộc kín. Chuối khô dùng làm món tráng miệng với nước trà đặc.

Kẹo chuối khô

Chuối khô thái chỉ, cho đường vào nước cốt dừa đun sôi, thả chuối, gừng non thái chỉ, dừa nạo trộn đều, đun nhỏ lửa, tới khi chuối đặc sền sệt vừa khô, bắc xuống. Chuối đã ngọt nên chỉ cần cho thêm một ít đường, 1 kg chuối khô chỉ cần cho 0,2 kg đường là đủ. Đổ chuối vào khuôn đã láng một lớp dầu dừa, nén chặt. Rắc ít lạc rang vàng bỏ vỏ, tách đôi lên trên. Dùng chày cán nhẹ lên chuối cho lạc dính vào chuối. Để nguội, cắt thành thanh, cho vào lọ thuỷ tinh hoặc bọc giấy bóng. Kẹo chuối thơm, ngon, màu đỏ óng rất đẹp.

Chuối hộp

Chuối chín bóc vỏ, thái lát dọc quả, bỏ vào lon lùn, đổ ngập sirô đường 25 – 30o Brix và 0,2% axit xitric, để chuối có độ pH = 4,5 – 5,3. Dập kín nắp, thanh trùng trong nước sôi 100o C 15 phút hạơc trong nồi áp suất, rồi làm nguội nhanh để tránh sirô thay đổi màu, đục trong thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng.

Chuối hộp thơm, ngon, màu hồng, rất được người nước ngoài ưa thích

Nước cốt chuối

Chuối chín bóc vỏ, chần nước sôi hoặc hơi nước sôi (88o C), xay nhuyễn, thêm đường và axit xitric để đạt độ pH = 4,2 – 4,3 (khoảng 100 ga axit xitric cho 45,50 kg nước cốt). Đun sôi, đóng hộp, hàn kín, lật ngược hộp xuống trong 5 phút, làm nguội đến 35oC. Khi đóng hộp hàn lon phải nhanh để tránh không khí lọt vào làm giảm chất lượng sản phẩm.

Dưa chuối chát

Chuối chát (chuối hột) gọt sạch vỏ, thái mỏng, ngâm vào nước có pha chanh khoảng 10 phút cho chuối đỡ chát, vớt ra ép ráo, rồi lại ngâm vào nước chanh có thêm tý muối, để chuối chuyển màu trắng. Xếp vào thẩu, đổ ngập nước chanh pha muối, gài chặt, để một ngày. Vớt chuối ra, ép ráo nước chanh, lại xếp vào thẩu, dội nước muối, đường, giấm đun sôi để nguội, gài chặt. Sau 4 ngày là ăn được. Trước khi ăn thái gừng, ớt, tỏi, băm nhỏ hoà thêm nước mắm, ngâm chuối vào. Ăn kèm chả, ném, tré. Món ăn của người Huế.

Rượu chuối

Chuối tây già bóc vỏ, thái mỏng, hấp chín. Bỏ chuối vào lọ thủy tinh, đổ ngập nước đường đun sôi để nguội, cho men rượu vào, đậy kín (cứ 1 kg chuối cho khoảng 300 kg đường và 5 viên men). Sau 1 tháng, gạn lấy nước trong cho vào chai, đậy kín. Rượu chuối uống thơm, ngon, dễ tiêu.

Bảo quản rau quả tươi

Trong những năm gần đây các cơ quan nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp nước ta liên tục cho ra đời nhiều chế phẩm bảo quản rau tươi đưa lại hiệu quả kinh tế cao: Giảm được tỉ lệ hư hao, tăng thời gian bảo quản nhằm kéo dài thời gian thu hoạch và tiêu thụ. Hầu hết các chế phẩm này đều có nguồn gốc sinh học, đơn giản, dễ sử dụng, sản phẩm được bảo quản bằng các chế phẩm này hoàn toàn không độc hại, an toàn cho người sản xuất lẫn người sử dụng.

1- Màng bán thấm BOQ -15 : Đây là sản phẩm do bộ môn Bảo quản sau thu hoạch ( Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch ) nghiên cứu, SX. BOQ –15 là hỗn hợp dung môi hữu cơ và thuốc chống nấm được kết hợp với nhau dưới dạng một dung dịch lỏng dùng để bảo quản các loại quả thuộc họ Citrus ( cam, chanh, quít, bưởi) và một số loại rau ăn quả như cà chua. Sau khi thu hái, nông dân chỉ cần rửa sạch, lau khô rồi nhúng hoặc dùng khăn sạch tẩm dung dịch lau một lớp mỏng trên bề mặt quả, để khô 3-5 phút rồi xếp vào thùng carton đem bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Lớp màng mỏng bằng Parafine hữu cơ có tác dụng vừa làm bóng mặt quả, tăng thêm độ hấp dẫn của mã quả, vừa có tác dụng ngăn sự bốc hơi nước giảm sự hao hụt khối lượng trong suốt quá trình bảo quản. Thuốc chống nấm được phối trộn với parafine có tác dụng ngăn ngừa sự xâm nhiễm và gây hại của nấm bệnh nhưng hoàn toàn không độc hại với con người khi sử dụng. Bắt đầu từ vụ cam năm 2005, Viện đã phối hợp với nhiều địa phương trồng cam lớn ở miền Bắc như công ty rau quả 19-5 ( Nghệ An), NT Cao Phong ( Hoà Bình), Hội ND tỉnh Hà Giang ( vùng cam Bắc Quang- Hà Giang) xây dựng nhiều mô hình thử nghiệm cho kết quả rất tốt, cam bảo quản được trên 2 tháng, kéo dài tới sau Tết Nguyên Đán, bán được giá cao hơn lúc chính vụ gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 4-5 lần mà tỷ lệ hư thối chỉ khoảng 2-3% so với bảo quản bằng các hóa chất độc hại của TQ là 15%. Đánh giá của nông dân nhiều nơi khi sử dụng chế phẩm POQ – 15 là công nghệ đơn giản, dễ làm, chi phí thấp ( 200-300 đồng/kg cam bảo quản) mà hiệu quả lại cao nên hiện nay rất nhiều người đã bắt đầu triển khai bảo quản theo phương pháp này.

2-Sử dụng màng Chitosan: Đây là sản phẩm và quy trình công nghệ do các cán bộ khoa học của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Viện nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học ( Trường Đại học Cần Thơ) nghiên cứu thành công trong việc bảo quản các loại quả tươi sau thu hoạch. Chitosan được chiết xuất từ vỏ tôm thành một dạng dung môi lỏng có tác dụng tạo thành màng mỏng phủ trên bề mặt vỏ quả nhằm ngăn chặn sự mất nước và xâm nhập của nấm bệnh. Với xoài, các tác giả khuyến cáo nên xử lý trái sau khi đã rửa sạch qua nước nóng 48-500C trong 5-10 phút để ngăn ngừa bệnh thán thư và ruồi đục trái, sau đó nhúng vào dung dịch Chitosan và bảo quản ở nhiệt độ lạnh 10-120C thì sẽ lưu giữ được quả trong 4 tuần, thậm chí tới 6 tuần để có thể vận chuyển đi xa an toàn. Với cam quýt, đặc biệt là trái quít đường Lai Vung ( Đồng Tháp) các tác giả khuyến cáo quy trình bảo quản trái bằng cách bao màng Chitosan ở nồng độ 0,25% kết hợp với bao Polyethylene (PE) có đục 5 lỗ với đường kính 1 mm được ghép mí bằng máy ép và bảo quản ở nhiệt độ lạnh 120C có thể bảo quản được tới 8 tuần.

Chuyên đề: Bảo quản trái cây sau thu hoạch

Hiện nay, ở nước ta chỉ có một số doanh nghiệp lớn và các siêu thị có phương thức tồn trữ trái cây ở nhiệt độ lạnh. Còn lại, đa số các vựa thu mua trái cây cũng như nông dân đều thu hoạch và bán trái cây theo tập quán, không có qui trình bảo quản sau thu hoạch. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Thời gian gần đây vấn đề này được các nhà vườn rất quan tâm và đặc biệt các công trình nghiên cứu bảo quản trái cây sau thu hoạch cũng đang cho những kết quả khả quan…

Qui trình nghiên cứu bảo quản xoài được Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ nghiệm thu đầu năm 2007. Nông trường Sông Hậu – nơi nghiên cứu hiện có 150.000 cây xoài cát Hòa Lộc, trung bình, mỗi hộ có 80-100 cây. Với sản lượng hàng năm lên đến cả hàng nghìn tấn xoài sản phẩm… Để hướng tới qui trình thu hoạch và bảo quản xoài có qui mô của một phân xưởng phân loại, đóng gói, bảo quản trái cây tươi chính qui, Nông trường đã hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học và Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ cùng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam nghiên cứu thành công qui trình bảo quản xoài sau thu hoạch bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng tốt, giúp kéo dài thời gian tồn trữ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Nếu tiêu thụ trong nước, sau khi thu hoạch, xoài được phân loại, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng. Nếu xuất khẩu, thì sau khi phân loại, sẽ tiến hành các bước xử lý, tồn trữ (để vận chuyển xa), làm chín, đóng gói, rồi mới vận chuyển và phân phối đến nơi tiêu thụ”. Xoài Cát Hòa Lộc có vỏ mỏng nên khó bảo quản lâu và vận chuyển xa, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Tiến sĩ Toàn cùng các cộng sự đã nghiên cứu khắc phục hạn chế trên bằng cách xử lý chần nước nóng để ngăn bệnh thán thư và ruồi đục trái. Biện pháp này giúp đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu kiểm dịch thực vật cho cây ăn trái. Sau đó, trái được nhúng vào dung dịch Chitosan, tạo nên một lớp màng bao phủ mỏng có tác dụng chống mất ẩm, giảm hao hụt trọng lượng và kéo dài thời gian tồn trữ. Qua các thí nghiệm, xoài được tồn trữ tốt nhất là ở nhiệt độ lạnh từ 10-12oC. Kết luận: “Qua quá trình xử lý và tồn trữ, trái xoài được bảo quản tốt nhất trong 4 tuần, thậm chí có khả năng kéo dài 6 tuần, có thể vận chuyển và phân phối đi xa”.

Năm 2006, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ và các cộng sự tiến hành nghiên cứu qui trình bảo quản sau thu hoạch các loại trái cây: quýt đường, bưởi Năm Roi, cam sành, cam mật và cam xoàn. Đây là đề tài nghiên cứu được thực hiện theo yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang. Dự kiến, đề tài sẽ được nghiệm thu vào năm 2009. Theo đó việc nghiên cứu theo hướng sản xuất trái cây sạch nên thực hiện phương pháp phòng trừ sinh học trước và sau thu hoạch. Các hóa chất độc hại được hạn chế sử dụng, thay vào đó sử dụng các chất không độc hại như: dùng nấm đối kháng để trị bệnh, vôi, dung dịch Chlorine (là chất thường được dùng trong xử lý nước sinh hoạt)... Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu xong qui trình bảo quản sau thu hoạch trái quýt đường; đang tiếp tục nghiên cứu qui trình bảo quản các loại trái cây khác”.

Qua nhiều nghiên cứu các nhà khoa học đã đưa ra qui trình bảo quản trái quýt đường với thời gian tồn trữ đến 8 tuần. Đó là bảo quản trái bằng cách bao màng Chitosan ở nồng độ 0,25% kết hợp với bao Polyethylene (PE) đục 5 lỗ với đường kính mỗi lỗ 1 mm và ghép mí lại bằng máy ép. Sau đó, bảo quản ở nhiệt độ 120C. Với phương pháp này, phẩm chất bên trong trái như: hàm lượng đường, hàm lượng vitamin C... luôn ổn định, tỷ lệ hao hụt trọng lượng thấp, màu sắc vỏ trái đồng đều và đẹp. Ngoài trái quýt đường, các nhà khoa học cũng nghiên cứu thêm qui trình bảo quản trái quýt hồng (quýt Tiều) bằng cách bảo quản trong bao PE (nhưng chỉ đục 3 lỗ, mỗi lỗ 1 mm) và bảo quản ở nhiệt độ lạnh (150C). qui trình này cho phép thời gian tồn trữ kéo dài đến 9 tuần.

Được biết: “Sử dụng bao PE bao trái nhằm hạn chế sự bốc hơi nước, làm giảm bớt cường độ hô hấp và sinh tổng hợp ethylene... giúp kéo dài thời gian tồn trữ trái. Bao trái bằng bao PE đã được sử dụng khá phổ biến trên nhiều loại trái cây khác nhau, ở nhiều nơi trên thế giới và đạt kết quả tốt. Bảo quản trái cây trong nhiệt độ thấp làm cho trái chín chậm hơn, dưỡng chất trong trái được duy trì lâu hơn, hạn chế các loại nấm bệnh phát triển, vỏ trái ít bị nhăn nheo... Tuy nhiên, mỗi loại trái cây có thể chịu đựng những ngưỡng nhiệt độ khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu để tìm ra ngưỡng nhiệt độ tốt nhất cho từng loại trái cây là rất cần thiết”.

Ngoài ra, Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo quản tươi, kéo dài thời gian tồn trữ trái cam sành, quýt đường và bưởi Năm Roi tại Cần Thơ”. Đề tài thực hiện nhiều biện pháp để bảo quản trái cây như: bảo quản ở nhiệt độ lạnh, sử dụng chất trích thảo mộc để phòng trừ nấm bệnh hại, sử dụng bao PE, bao màng Chitosan… Dự kiến, cuối năm 2007, đề tài sẽ được nghiệm thu.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, những nghiên cứu bảo quản trái cây sau thu hoạch có thể ứng dụng rộng rãi trong các siêu thị vì nơi đây có phòng lạnh và các điều kiện cần thiết để bảo quản trái cây lâu dài. Ngoài ra, khi trái cây Việt Nam hướng đến thị trường xuất khẩu thì việc bảo quản trái sau thu hoạch để kéo dài thời gian tồn trữ trong quá trình vận chuyển là một yêu cầu bắt buộc. Do đó, những công trình nghiên cứu về bảo quản trái cây sau thu hoạch hiện nay là rất cần thiết, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm cho trái cây trên thị trường trong và ngoài nước.

Giới thiệu công nghệ bảo quản rau quả, trái cây tươi bằng chế phẩm sinh học

từ Chitosan, không độc hại

Phân loại SPC: Chế biến và bảo quản rau quả

Lĩnh vực áp dụng: Công nghệ thực phẩm

Mô tả tóm tắt công nghệ thiết bị

Từ nguyên liệu chitosan đã chế tạo ra chế phẩm sinh học để tạo màng trên trái cây, rau quả. Đã có công nghệ bảo quản trái cây tươi từ khâu thu hái đến khi bán sản ph6ảm ra ngoài thị trường.

CN/TB duoc ap dung:

- Bảo quản trái cây tươi - Bảo quản rau tươi - Bảo quản hoa tươi - Bảo quản thực phẩm tươi sống (cá, thịt, trứng ...)

Công suất / năng xuất : Tùy theo qui mô sản xuất của khách hàng yêu cầu

Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác

Tạo màng sinh học không độc hại, dùng an toàn cho người, giữ ẩm cho trái cây, rau quả tươi lâu, hạn chế hô hấp trên vỏ nên trái cây lâu chín, lâu bị khô nhăn, chống nấm mốc

Ưu điểm của CN/TB

- Tương đối đơn giản, đầu tư không nhiều - Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - Thích hợp cho việc sản xuất công nghiệp

Vấn đề bảo quản trái cây xuất khẩu

Sản phẩm trái cây của nước ta, đặc biệt trái cây của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có nhiều lợi thế về chủng loại, sản lượng và chất lượng của trái cây miền nhiệt đới nhưng việc bảo quản để xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, EU… chưa ngang tầm với sản lượng thu hoạch hàng năm.

Có nhiều nguyên nhân trong vấn đề này, trong đó việc bảo quản chưa được đầu tư về công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản một cách tương xứng với doanh nghiệp có thương hiệu trái cây xuất khẩu.

Tại thị trường trong nước từ nhiều năm nay giá bán trái cây vào thời điểm thu hoạch rộ thường bấp bênh, do sản phẩm cùng chủng loại nhiều vào thời điểm thu hoạch, bình quân khoảng 2 tháng / vụ, làm cho việc điều tiết tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản phẩm trái cây được tiêu thụ ở dạng tươi là chủ yếu ở tại địa phương và trong nước, nên thường gây ứ đọng, sản phẩm thường bị hư hỏng. Trong thực tế sản phẩm trái cây thường được thu hoạch thậm chí khi chưa đến thời điểm thu hoạch, đa số trái cây thường không qua khâu kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm…Trong đó chỉ một số lượng trái tươi đủ tiêu chuẩn phẩm cấp được phân loại bảo quả ở kho lạnh có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho từng loại trái. Đáng chú ý, hiện do nước ta có rất ít các kho bảo quản nên chí phí bảo quản trong các khâu thu hái, bao gói và vận chuyển lạnh để xuất khẩu rất cao. Đây cũng là nguyên nhân hạn chế việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sản phẩm ở các trung tâm phát triển cây ăn quả trong cả nước.

Vừa qua tại Hội thảo chương trình Quốc Gia về phát triển sản xuất và xuất khẩu rau hoa quả tươi của Việt Nam do Bộ Thương Mại tổ chức nhiều đại biểu các tỉnh và doanh nghiệp cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Theo đó các doanh nghiệp cho rằng: cần tiến hành xây dựng các kho bảo quản lạnh ngay tại vùng nguyên liệu và tại các cửa khẩu, bến cảng để đảm bảo chất lượng tốt nhất trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn để đảm bảo thực hiện mục tiêu nói trên.

Khử chát và giấm hồng

Quả hồng dù đã chín trên cây, vừa hái xuống cũng không ăn được ngay, trừ một vài giống hồng ngọt, có thể khử chát trên cây. Mới đây, các cán bộ nghiên cứu Bộ môn Bảo quản và Chế biến thuộc Viện Nghiên cứu rau quả đã nghiên cứu thành công và cho phổ biến qui trình "Khử chát và giấm hồng bằng A xít 2-Chloroetyl phosphoric và đất đèn". NNVN giới thiệu để bà con nông dân tham khảo, áp dụng

Thu hái: ở miền Bắc, tùy theo địa phương, giống hồng mà hồng thường chín từ cuối tháng 8, chín rộ vào tháng 10, 11, chậm nhất vào tháng 12, 1. Trên cùng một cây có quả chín trước, quả chín sau do đó khi thu hoạch phải biết phân biệt để hái, quả chín trước hái trước, quả chín sau thì hái sau. Nên hái vào buổi sáng khi đã khô sương, không thu hái vào những ngày mưa dễ bị lây nhiễm nấm bệnh. Dùng kéo cắt sát cuống quả những quả đã chín vàng đều cho vào sọt có lót rơm rạ hoặc túi vải để tránh dập xước.

Chọn lựa và đánh bóng: Lựa chọn những quả đồng đều về màu sắc, kích cỡ, cùng giống, cùng đợt thu hái, những quả không có vết sâu bệnh, xây xước, bầm dập để xử lý và giấm. Dùng giẻ, khăn sạch lau nhẹ hết các vết bẩn trên toàn bộ mặt vỏ quả, làm cho vỏ quả láng bóng lên tăng thêm mỹ quan và hấp dẫn.

Xử lý: Với phương pháp xử lý bằng Chloroetyl phosphoric: Đổ 5 lít nước sạch vào một chiếc chậu nhựa rộng miệng rồi dùng bơm tiêm hút 60cc Axít 2- Chloroetyl phosphoric pha vào và khuấy đều cho tan hết. Tùy theo số lượng hồng cần xử lý mà pha lượng dung dịch cho phù hợp, tránh lãng phí: Cứ 1 lít nước sạch cần pha 12-13cc Axít 2-Chloroetyl phosphoric. Theo kinh nghiệm của Bộ môn bảo quản và chế biến (Viện Nghiên cứu rau quả) thì cứ 5 lít dung dịch có thể xử lý được hàng trăm kilôgam hồng quả. Sau khi chuẩn bị được dung dịch xử lý, ta cho hồng đã được lau sạch, đánh bóng vào ngâm ngập trong vòng 7 phút rồi vớt ra xếp vào rổ để cho ráo nước. Xếp hồng lên các giàn thoáng, để nơi thoáng mát trong vòng 6-8 ngày hồng sẽ chín đều, hết chát.

- Với phương pháp xử lý bằng đất đèn (Axetylen ): Dụng cụ bao gồm: Thùng để xử lý hồng bằng nhựa, gỗ hay sành sứ to, có thể chứa được vài trăm quả hồng; hộp nhựa hoặc sắt tây đường kính 10cm để đựng đất đèn; ống nhựa mềm để dẫn nước dài khoảng 70-80cm; phên nan tre, giá gỗ để xếp hồng trong thùng; bơm kim tiêm để cấp nước; tấm nilon để bịt miệng thùng...

Cách làm: Dưới đáy thùng chứa đặt chính giữa hộp nhựa hoặc hộp sắt tây mở đáy trên có chứa đất đèn. Căn cứ theo lượng hồng cần xử lý để đặt lượng đất đèn cho phù hợp: Cứ 100 kg hồng quả cần 300g đất đèn. Trên mặt hộp sắt tây đặt giá gỗ nan thưa để xếp hồng theo từng lớp nhẹ nhàng cho tới gần miệng thùng. Đặt ống nhựa mềm từ ngoài miệng thùng vào trong hộp sắt tây đựng đất đèn. Dùng nilon và dây cao su buộc kín miệng thùng hồng đã được xếp đầy nhằm tránh khí Axetylen thoát ra ngoài. Chú ý để ống nhựa mềm xuyên qua lớp nilon ra ngoài. Dùng bơm tiêm hút nước sạch để cấp nước cho hộp đất đèn qua ống dẫn nhựa mềm. Ngày đầu tiên ta bơm 30 ml, sau đó ngày thứ 2, thứ 3 cấp tiếp mỗi ngày 30 ml nữa. Ngày thứ 4, dỡ túi nilon một lúc cho thoát hết khí Axetylen rồi xếp hồng lên giàn nơi thoáng mát. Chú ý xếp các cuống quả xuống dưới theo lớp xen kẽ để không gây vết thương cho quả. Để hồng chín trong khoảng 6-8 ngày là có thể đem tiêu thụ được.

Chế biến rượu từ cây dừa nước

Cây dừ nước(Nipa Palm) một loài cây phổ biến ở nước ta, việc chế biến rượu từ dừa nước là một giải pháp mới giúp người nông dân có thể tận dụng các loại đất rừng sát ngập mặn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Đây là hàng chục triệu lít cồn nguyên liệu rẻ tiền nhất để chế tạo cồn 95 độ tại Philippine. Hàng năm Philippine sản xuất 95 độ từ các buồng quả dừa nước.

- Dừa nước được trồng với mật độ 2000 cây/ha (2x2,5m), sau ba đến bốn năm, khi cây đạt 8 lá, bắt đầu ra hoa, mỗi ha trung bình có khoảng 700 cây ra hoa. Mỗi cây chỉ ra một buồng quả tận cùng rồi chết. Những cái rễ (căn hành) của chúng sẽ mọc lên những cây con như các bụi chuối.

- Dừa nước được trồng với mật độ 2000 cây/ha (2x2,5m), sau ba đến bốn năm, khi cây đạt 8 lá, bắt đầu ra hoa, mỗi ha trung bình có khoảng 700 cây ra hoa. Mỗi cây chỉ ra một buồng quả tận cùng rồi chết. Những cái rễ (căn hành) của chúng sẽ mọc lên những cây con như các bụi chuối.

Khi buồng hoa đã ra các quả non, ta cắt cuống buồng sát đến giới hạn hình thành quả, thường cách mặt đất khoảng 60 -80 cm. Ta đút cuống buồng đã cắt vào đốt ống tre và hứng dịch ngọt tuba chảy ra. Dịch ngọt này chứa 17 % đường và có kèm theo các Enzyme lên men rượu từ cuống buồng tiết ra

- Mỗi ngày, mỗi ống hứng gần 0,5 lít dịch tuba. Hàng ngày người ta lần lượt đi từng gốc dưà nuớc đã cắt buồng để thu dịch tuba đã hứng, đồng thời cắt một nhát mỏng độ hai đến ba mm để khơi lại vết thương cũ, làm cho dịch mới lại tiếp tục chảy ra - và cứ thế lần lượt. Có thể thu hoạch như vậy liên tục trong 90 ngày. Sau đó chặt toàn bộ cây dừa nước, thu lá dừa để lợp nhà và làm củi đun.

- Mỗi cây bình quân trong một vụ ba tháng sẻ thu được khoảng 43 lít. Mỗi ha 700 cây ra hoa sẽ thu được khoảng 30000 lít dịch tuba. Mỗi lần thu dịch ngọt từ rừng dừa nước về đến nhà trong vòng 10 giờ nó đã tự lên men hoàn chỉnh thành rượu tuba khoảng 5,6 độ, có thể dùng uống ngay như nước cơm rượu.

- Dùng khỏang 20 lít dịch tuba tự lên men để cất ngay khi vừa mới về đến nhà sẽ được 1 lít cồn 95 độ, chưng phân đọan.

- Như vậy bình quân trên một ha dừa nước hàng năm sẽ thu hoạch và chế biến được 1.500 lít cồn 95 độ một cách nhẹ nhàng và dễ dàng với giá thành rẻ hơn bất cứ phương pháp chế tạo cồn etylic nào khác, xứng đáng được sự quan tâm đầy đủ đến cây dừa nước.

- Các loại đất rừng sát ngập mặn đều có thể trồng dừa nước được. Ngoài ra nếu gần các lò đường, ta có thể dùng các rỉ đường (molasse) trộn chung với tuba, lợi dụng men của tuba để lên men rỉ đường thành rượu rất nhanh chóng

Bảo quản hạt lúa giống

Trong điều kiện bình thường và làm khô theo kiểu phơi nắng, khoảng 3 tháng hạt lúa vẫn nảy mầm tốt, đạt tới 90%, nhưng khoảng 6 tháng sau tỉ lệ nảy mầm chỉ còn khoảng 60-70% và khoảng 9-10 tháng sau hầu hết hạt không nảy mầm. Đây là điều khó khăn cho người dân vùng trồng một vụ lúa và tôm. Để bảo quản hạt giống lúa từ vụ này sang vụ năm sau (khoảng 8 tháng) xin giới thiệu kinh nghiệm bảo quản của nông dân một số tỉnh ĐBSCL.

Khâu phơi nắng

Theo kinh nghiệm, chỉ phơi hạt giống lúa một nắng là đạt độ ẩm 12%. Thường khi lúa mới gặt ở ruộng về độ ẩm khoảng 25%. Phơi trong nắng nhẹ làm sao rút độ ẩm được khoảng 18% và sau nắng thứ hai mới rút độ ẩm xuống khoảng 12% là đạt yêu cầu. Cố gắng khi phơi nắng phải đảo đều liên tục cho khô đều. Chính phơi làm khô trong điều kiện nhiệt độ không cao là tăng sức sống của hạt giống và bảo quản được lâu dài hơn.

Bảo quản

Để hạt giống trong kho càng lâu thì hạt giống càng nảy mầm kém. Đó là điều xảy ra cho tất cả các loại hạt giống khác nhau. Nếu đựng hạt trong bao đay hay nilon dệt (không kín) hạt giống rất nhanh mất sức nảy mầm dù được phơi rất khô tới 12% độ ẩm, vì trong khi bảo quản, hạt giống lúa hút ẩm, nhất là trong điều kiện mùa mưa ở ĐBSCL hạt giống có khi có độ ẩm tới 14-15%, từ đó chúng mất sức nảy mầm khá nhanh. Theo kinh nghiệm thì khi phơi lúa đạt độ ẩm khoảng 12%, cho hạt lúa giống vào bao nilon và buộc kín là tốt nhất. Sau đó toàn bộ bao nilon được đựng trong bao bố, bỏ vài cục vôi sống (vôi chưa tôi) dưới đáy để hút ẩm thường xuyên.

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát

Không chọn nơi ẩm ướt, hay ánh nắng thường xuyên chiếu vào làm nơi bảo quản hạt giống. Nơi bảo quản hạt giống phải thường xuyên khô ráo, thoáng mát. Bao giống phải được kê bằng gỗ, không nên kê bằng gạch hay bằng những vật liệu kê khác.

Theo kinh nghiệm trên, hạt giống sau 8 tháng vẫn có tỉ lệ nảy mầm khoảng 85-90% và sức sống của cây con vẫn phát triển bình thường. Kỹ thuật bảo quản này được thực hiện với giống lúa trên 120 ngày.